12:00:00
01/06/2016
Cách đây ít giờ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến thủ đô Habana, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cuba. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến thăm Cuba trong gần 90 năm qua.
Chuyến thăm của ông Obama được xem như bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba sau khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao vào năm 2015. Chuyến thăm được kỳ vọng không chỉ đẩy quan hệ song phương lên nấc thang mới mà còn góp phần cải thiện quan hệ giữa Mỹ và khu vực Mỹ La-tin.
Dự kiến trong hai ngày thăm Cuba, Tổng thống Obama sẽ hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro, gặp gỡ giới doanh nghiệp Cuba, đồng thời có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình Cuba về tương lai quan hệ hai nước.
Ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama, hai bên đã có một loạt động thái tăng cường hợp tác như: khôi phục dịch vụ bưu chính - điện thoại trực tiếp, ký bản ghi nhớ về hợp tác trắc địa và thủy văn. Mỹ cũng nới lỏng hạn chế đi lại đến Cuba và dỡ bỏ những hạn chế đối với việc sử dụng đô la Mỹ trong các giao dịch tại Cuba. Trong khi đó, chính phủ Cuba tuyên bố sẽ xóa bỏ thuế 10% đánh vào đô la Mỹ.
Tuy nhiên, chuyến thăm nói trên chưa phải là dấu hiệu của sự bình thường hóa toàn diện. Lệnh cấm vận kinh tế đối với Cuba trong 54 năm qua vẫn còn hiệu lực và chỉ được gỡ bỏ nếu Hạ viện Mỹ bỏ phiếu đồng ý. Bên cạnh đó, Cuba vẫn phàn nàn về căn cứ hải quân của Mỹ tại Guantanamo Bay.
Chuyến thăm là đòn bẩy cho đầu tư, thương mại
Bất chấp sự phản đối được dự báo trước của chính giới Mỹ, đặc biệt là phe Cộng hòa, chuyến thăm của ông Obama nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Mỹ với sự góp mặt của đại diện một số tập đoàn lớn trong đoàn tháp tùng ông Obama đến Cuba.
Các công ty nông sản Mỹ coi chuyến thăm là sự kiện bước ngoặt để giành lại thị phần đã mất tại Cuba nhờ lợi thế về chất lượng và giá thành sản phẩm, cũng như chi phí vận tải thấp. Chỉ cách Cuba 150 kilomet đường biển, Mỹ từng là nhà cung cấp số 1 cho Cuba về các loại nông sản như gạo, bột mì và bắp. Hiện Cuba phải nhập khẩu đến 80% lương thực với giá trị khoảng 2 tỉ đô la Mỹ/năm. Theo ước tính, xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Cuba có thể đạt 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm nếu các hạn chế về tài chính và thương mại mà Quốc hội Mỹ đang áp đặt được dỡ bỏ.
Các doanh nghiệp du lịch Mỹ cũng trông chờ vào đòn bẩy từ chuyến thăm này. Trước đó, hai nước đã nhất trí nối lại các chuyến bay thương mại.
Chỉ một ngày trước chuyến thăm, tập đoàn khách sạn nổi tiếng Starwood (Mỹ) đã ký hợp đồng đầu tư trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ với Cuba theo một giấy phép đặc biệt được Bộ Tài chính Mỹ cấp. Theo đó, Starwood sẽ cải tạo và vận hành 3 khách sạn tại Havana. Hiện, lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng 77% kể từ khi Mỹ nới lỏng một số hạn chế với Cuba trong năm 2015.
Theo nhận định của giới quan sát, nếu chuyến thăm có thể mang lại những kết quả tích cực trong hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch thì đây sẽ là nền tảng để Mỹ và Cuba mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như an ninh, chống ma túy, nghiên cứu biển…
Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Cuba có thể coi là tấm gương phản chiếu chính sách của Mỹ với các nước theo phong trào cánh tả trong khu vực Mỹ La-tin. Đến nay, chính sách cấm vận đối với Cuba là rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ La-tin. Quan hệ ấm lên với Cuba sẽ tạo cơ hội để Mỹ tiếp cận hiệu quả hơn trong vấn đề Venezuela, nước đang rơi vào khủng hoảng chính trị và kinh tế, qua đó tiếp tục gây ảnh hưởng đến các nước Mỹ La-tin khác vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu mỏ của Venezuela. Thay đổi chính sách của Mỹ không nằm ngoài mục đích cuối cùng là duy trì ảnh hưởng, nói cách khác là giữ cho Mỹ La-tin tiếp tục là “sân sau” an toàn.
Trở ngại trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn
Tuy nhiên, để mối quan hệ Mỹ-Cuba tiếp tục đi đúng hướng như mong muốn cần tiến trình lâu dài. Với Cuba, vấn đề lớn nhất hiện nay là lòng tin giữa hai nước vẫn chưa đủ vững chắc. Với Mỹ, diễn biến chính sách đối với Cuba sẽ phụ thuộc nhiều vào ai sẽ là tổng thống nhiệm kỳ tới, khi quan điểm về Cuba của ứng viên các đảng khá khác biệt. Trong khi phe Dân chủ muốn tiếp nối thành quả của ông Obama thì các ứng viên của đảng Cộng hòa hoặc phản đối hoặc chưa có chính sách cụ thể đối với Cuba.
Quan hệ Mỹ-Cuba bị đóng băng từ những năm 1960, khi Mỹ chấm dứt quan hệ ngoại giao và áp dụng lệnh cấm vận thương mại sau khi chính quyền cách mạng tại Cuba tiến hàng quốc hữu hóa các cơ sở kinh tế nước ngoài tại đảo quốc này, đa phần là tài sản của các doanh nghiệp Mỹ. Theo ước tính, lệnh cấm vận đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ/năm.
Quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao và hợp tác kinh tế được Tổng thống Obama đưa ra vào tháng 12-2014, sau các cuộc đàm phán kín trong hơn một năm tại Canada và Vatican, có sự tham dự của Giáo hoàng Francis. Quyết định bao gồm việc xem xét lại Cuba có còn là một nước khủng bố hay không, gỡ bỏ lệnh cấm du lịch đối với công dân Mỹ, tháo các lệnh cấm về tài chính, tăng cường liên hệ viễn thông cũng như nỗ lực bãi bỏ lệnh cấm vận đối với giao thương. Mỹ đã đặt Đại sứ quán tại Havana vào tháng 8-2015, một tháng sau khi Cuba mở cửa Đại sứ quán tại Washington.
Ads: máy toàn đạc
Ads: máy toàn đạc