12:00:00   08/03/2016
Kỳ 1: Ra khơi quét biển
 
Phải mất nhiều tháng làm thủ tục, Quân chủng hải quân mới đồng ý để chúng tôi đi theo tàu của đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển. 
 

Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ 1: Ra khơi quét biển

Đội nghiệm triều tàu 884 thả thiết bị đo thủy triều tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: Tiến Long
 


Trước đó, câu trả lời từ quân chủng là dù rất muốn tạo điều kiện cho phóng viên Tuổi Trẻ đi theo tàu, nhưng vì ngại những chuyến hải trình của tàu Đoàn 6 thường kéo dài vô định, thất thường. Có những chuyến lênh đênh trên biển cả nửa năm. Chuyến ngắn ngày cũng phải mất một, hai tháng mới cập bờ. Những người lính hải quân đo đáy Biển Đông, họ là ai?
 
Khi nhận được tin báo từ Quân chủng hải quân, chúng tôi mừng vui khôn tả. Càng vui hơn khi được sắp xếp đi cùng tàu 884, con tàu từng cứu hai đặc phái viên Tuổi Trẻ và 16 ngư dân Quảng Ngãi do bị chìm tàu hơn một năm về trước. Được gặp lại ân nhân trong hải trình đo vẽ chân dung biển quả là một chuyến đi hứa hẹn đầy những điều thú vị.
 
Đêm nóng lòng chờ sóng
 
Sau tám giờ nằm xe khách từ TP.HCM, chúng tôi gặp anh em tàu 884 tại phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Theo kế hoạch ngay trong chiều hôm đó, tàu sẽ bố trí xuồng vào bờ để đưa chúng tôi ra tàu.
 
Thuyền trưởng Vũ Trọng Phú liên tục điện thoại nhắc nhở anh em phải có mặt đúng giờ, tranh thủ bất cứ khi nào sóng lặng sẽ ra tàu liền. “Một tháng nay, tàu 884 thực hiện nhiệm vụ đo đạc để kéo đường dây điện ra đảo, công việc đang rất gấp rút, khẩn trương.
 
Thời tiết mùa này mưa gió thất thường nên anh em phải tranh thủ từng giờ biển êm thả xuồng đi đo đạc. Tàu nghỉ ngày nào chậm tiến độ ngày đó, dân ngóng chờ điện, anh em cũng nóng ruột” - anh Phú dặn dò thêm.
 
Bản thân chúng tôi sau thời gian dài chờ đợi cũng háo hức được xuất phát ngay. Cuối cùng trời không thuận lòng người, gió to sóng lớn nên tám thành viên tàu phải ở lại bờ chờ biển êm mới ra được tàu.
 
Ba ngày nằm chờ trong khách sạn với anh em tàu 884 dài dai dẳng như ba tháng. Ai cũng thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Lâu lâu mọi người thay nhau chạy ra biển xem tình hình. Nhìn những con sóng cao đập vào bờ, phía xa con tàu 884 mù mịt.
 
Ngoài tàu điện vào cho biết tàu bị dông gió lắc mạnh, không thả xuồng xuống được phải tiếp tục chờ. Mọi người thở dài, quay về mặt buồn rũ rượi. Từ bờ ra tàu chỉ chưa đầy 6 hải lý mà như xa vạn dặm.
 
Trong thời gian này, Tổng công ty Điện lực miền Nam cùng chính quyền tỉnh Kiên Giang tổ chức khởi công Dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Lại Sơn.
 
Dự án đường dây điện gần 25km vượt biển trên không dài nhất Việt Nam này là một hợp phần trong Dự án cấp điện lưới quốc gia cho bảy xã đảo ở tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là dự án vô cùng quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo và ven biển. Đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
 
Dự án còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội trên đảo.
 
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các đơn vị thi công dự án có thể vượt tiến độ. Nếu có điện cho dân sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân thì càng tốt. Khoảng 2.000 hộ dân, với 8.200 nhân khẩu xã đảo Lại Sơn đang ngày ngày hồ hởi đón chờ dòng điện lưới quốc gia hòa vào từng nhà”.
 
Từ lễ khởi công trở về, nhận thông tin anh em bị tắc chưa ra được tàu, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú càng nóng ruột.
 
“Công việc đo đạc, khảo sát ban đầu hết sức quan trọng. có thuận lợi thì những công việc sau của dự án mới thông suốt được. Nhìn thời tiết thế này ai cũng nóng ruột như lửa thiêu đốt” - anh Phú thở dài mắt đăm chiêu nhìn tàu 884 mờ xa.
 
Nằm chờ mãi cuối cùng sóng cũng lặng hơn. Xuồng cập bờ đón 10 người chúng tôi ra tàu. Để đảm bảo an toàn, thuyền trưởng quyết định thuê riêng một tàu cá chở đồ ra.
 
Mọi người nhanh chóng chuyển toàn bộ lương thực, thực phẩm cho chuyến công tác dài ngày trên biển xuống tàu phòng khi sóng lại to lên. Phải mất gần một giờ mới chuyển xong.
 
Tàu cá nổ máy gấp rút ra tàu, trên những khuôn mặt dạn dày sóng gió, thấm vị mặn mòi của biển nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời. Chúng tôi hiểu với các anh không có cực hình nào bằng việc phải nằm chờ đợi trời yên biển lặng.
 
 


Chiến sĩ tàu 884 đang thả thiết bị đo đạc xuống vùng biển quần đảo Hải tặc (Kiên Giang) - Ảnh: Tấn Vũ

Hải trình bắt đầu
 
Trong khi nhóm hậu cần rời bờ, gần đó một số anh em khác đang bì bõm lặn dưới nước để kéo thiết bị nghiệm triều lên. Chiếc máy vừa đưa lên bờ anh em đã xúm lại lau rửa, cạo sơn hàu bám, nâng niu tỉ mẫn như đứa con của mình. Máy sẽ nhanh chóng đưa ra tàu để xuất số liệu ghi nhận trong 17 ngày thả chìm sâu dưới biển.
 
Ba người khác được phân công dùng thước dọi để đo đạc bằng tay. Từng số liệu được ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ vào cuốn sổ nghiệm triều để tính toán mực nước biển trung bình.
 
“Dù máy móc hiện đại, đo đạc chính xác đến mấy nhưng anh em cũng phải đo bằng thước tay truyền thống rồi so sánh với số liệu do máy thu thập mới tính toán được kết quả chính xác nhất” - đại úy Phạm Văn Quang, trưởng ngành đo đạc tàu 884, giải thích.
 
Anh Quang cho biết toàn bộ số liệu thu thập phải nhập lưu ba lần trên các thiết bị máy vi tính, sổ thủy triều gốc và ở máy tính khác, phòng khi cố sự cố mất dữ liệu.
 
“Toàn bộ số liệu thu thập đều liên quan với nhau và phải thời gian đo dài ngày mới thu nhận được. Chỉ cần mất một số liệu, phá vỡ mắt xích trong chuỗi dữ liệu thu thập sẽ khiến kết quả thu được thiếu chính xác” - anh Quang chia sẻ thêm.
 
Nhóm nghiệm triều là nhóm rời tàu lên bờ làm nhiệm vụ thường xuyên nhất. Nhóm có khoảng ba người. Hằng ngày họ thay nhau túc trực suốt 24 giờ để quan sát mực nước biển lên xuống. Cứ 30 phút các anh lại thay nhau ra quan sát, ghi chép số liệu triều lên xuống. Mỗi đợt thu thập theo chu kỳ con nước kéo dài khoảng 17 ngày.
 
Trung úy Nguyễn Văn Toản - nhân viên đo đạc, người có 11 năm nếm sương nằm gió trên biển. Anh cũng là người thường xuyên được phân vào nhóm nghiệm triều. Anh Toản chia sẻ thường nếu vùng đo đạc có đơn vị biên phòng, cảnh sát biển thì nhóm xin ở cùng. Còn không thì phải vào ăn ở với dân.
 
Lên bờ không sợ thiếu thốn, khổ sở mà chỉ sợ thiếu điện. Như trước đó 10 ngày, nhóm lên Hòn Sơn (quần đảo Bà Lụa, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang) để nghiệm triều. Khu vực này không có đồn biên phòng nên phải xin ở nhà dân.
 
Ở đây một ngày điện chỉ được phát bằng động cơ diesel sáu giờ, chia hai ca buổi sáng từ 8g30 - 11g, buổi chiều tối 15g30 - 23g. Anh em vừa phải thay nhau quan sát nghiệm triều, vừa phải chạy đua với lịch phát điện, tranh thủ xử lý số liệu thật nhanh mới kịp hoàn thành công việc.
 
... Khi những thiết bị máy móc được đóng gói cẩn thận, chiếc xuồng máy xé sóng chở chúng tôi và nhóm nghiệm triều lao nhanh ra biển. Nước biển tạt mạnh tung tóe. Chiếc xuồng dập theo từng đợt lên xuống của con sóng, có lúc tưởng chừng mất hút.
 
Mọi người ướt nhem nhưng máy móc, thiết bị không sao vì đều được bọc kín bởi hai ba lớp nilông. Gần một giờ chạy xuồng mới cập mạn tàu 884. Và những ngày sóng gió lênh đênh cùng hải trình đo đáy Biển Đông bắt đầu...

Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...
 
Bữa cơm tối phía đuôi tàu chòng chành, đại úy Phạm Văn Quang, trưởng ngành đo đạc của tàu, ưu tư: “Cầu cho ngày mai đừng mưa và sóng êm để chúng ta tiến hành đo quanh khu vực đảo Hải Tặc này và bàn giao mặt bằng sớm cho ngành điện”.
 

Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...

“Cá mập điện tử” được thả xuống để quét đáy đại dương - Ảnh: Chu Văn Túc

Gần 20 năm trong ngành đo đạc biển, anh Quang biết rõ rằng từ cuối mùa thu đến giáp mùa xuân là thời điểm biển cực kỳ sóng gió nên công tác đo đạc không hiệu quả.
 
Anh Quang lý giải những cột sóng dao động quá lớn, cách mặt nước từ hơn 1m thì kết quả đo đạc độ nông sâu sẽ không còn chính xác.
 
Háo hức của một ngày được làm người đi dò đáy biển khiến chúng tôi khó ngủ.
 
Những thiết bị tiền tỉ
 
Đúng 5g sáng, chuông báo thức kéo dài ba hồi. Nửa giờ cho ăn sáng và vệ sinh cá nhân, chúng tôi có mặt ở boong tàu để làm công tác hạ xuồng và tập kết thiết bị.
 
Từ dưới hầm tàu, bốn chiến sĩ khiêng một cái thùng gỗ sơn màu xanh lá được bao bọc khá cẩn trọng để trên sàn tàu. Trung úy Nguyễn Văn Đại, kỹ thuật viên đo đạc, vỗ vai chúng tôi nói: “Nhìn vậy nhưng con cá mập này tiền tỉ đấy!”.
 
Bên trong chiếc thùng là một vật thể lạ hình dáng trông giống như con cá mập to bằng bắp chân, dài gần 2m, bằng inox bóng lộn.
 
Phía sau đuôi và hai chiếc vây hướng lên trời để điều khiển cho nó khỏi lật ngửa trong nước và trên lưng là nơi kết nối thiết bị với dây cáp chằng chịt. Hai bên hông của chú “cá mập” này là hai ống thép màu đen với nhiều lỗ nhỏ.
 
Đại úy Quang cho biết con “cá mập” bằng điện tử này hết sức đặc biệt và cực kỳ thông minh. “Cá mập robot” này có nhiệm vụ phát ra những chùm tia hoặc đơn tia xuống lòng đại dương, sau đó thu thập toàn bộ địa hình mặt đáy biển và chuyển dữ liệu về máy tính.
 
Một chiếc cần cẩu phía sau đuôi con tàu, vươn dài như cánh tay rắn chắc được thả xuống, “cá mập” được buộc bằng dây thép có ròng rọc bắt đầu chìm dần vào đáy biển. Con tàu bắt đầu nhổ neo rê chầm chậm tiến về phía biển sâu. Trên buồng chỉ huy, thuyền trưởng Vũ Trọng Phú lật một hải đồ được vạch sẵn đo diện tích mặt biển sẽ được quét đáy biển trong ngày.
 
Thuyền trưởng Phú cho biết con tàu sẽ chạy tới rồi quay đầu chạy lui trên một diện tích mặt biển nhất định được vạch sẵn.
 
“Tương tự như người nông dân cày trên thửa ruộng của mình vậy. Luống cày trước và luống cày sau phải giáp ranh với nhau và không bỏ sót dù nửa luống cày. Con tàu này sẽ di chuyển và quét đáy biển sao cho luồng quét trước giáp ranh với luồng quét sau. Nếu nước sâu 100m thì dãy quét dưới đáy biển quét được một luồng rộng 400-600m theo chiều ngang. Có nhiều nơi quét được đến 800m theo chiều ngang tùy địa hình đáy. Và chúng có thể quét ở độ sâu đến 1.500m” - thuyền trưởng Phú giải thích.
 
Thuyền trưởng Phú bảo rằng âu lo nhất của con tàu là việc bảo quản và chăm sóc các thiết bị đặc chủng và rất đắt tiền này. Đây là thiết bị được mua để phục vụ cho những công tác đặc biệt, nếu gặp bất trắc thì không những công việc đình trệ mà việc sửa chữa hoặc mua lại cũng rất khó khăn.
 
“Sợ nhất là quét vùng biển nhiều đồi núi và lô nhô đá ngầm. Nếu chú “cá mập robot” lao vào đá hoặc các vật thể cứng thì nguy cơ hỏng hóc rất cao vì đa số thiết bị là đồ điện tử và các vi mạch tinh xảo” - thuyền trưởng Phú tâm sự.
 
 
Những người đo đáy Biển Đông - Kỳ 2: Thả “cá mập” điện tử...

Các sĩ quan kỹ thuật tàu 884 thu nhận tín hiệu gửi về từ những chú “cá mập điện tử” - Ảnh: Tiến Long

“Copy” đáy biển lên màn hình
 
Ngay khi con tàu nhổ neo di chuyển, trong một gian buồng đặc biệt bên phải con tàu, những chiến sĩ kỹ thuật hải quân bắt đầu dán mắt vào màn hình máy tính. Căn buồng nhỏ chưa đến 6m2 được giăng kín bởi các màn hình.
 
Các máy tính bắt đầu nhấp nháy hoạt động khi chú “cá mập robot” được chính thức kích hoạt. Con tàu di chuyển với vận tốc dưới 4 hải lý/giờ. Trên màn hình máy tính hiện ra những vạch màu sẫm trôi dần từ trên xuống dưới. Trong khi đó một màn hình khác hiện lên một dải màu từ đỏ, xanh, vàng, cam và tím.
 
Chưa hết, một màn hình khác cho ra tất cả các vật thể nằm sát dưới đáy đại dương. Kể từ lúc con tàu di chuyển, máy tính và “cá mập robot” được kích hoạt là lúc các chiến sĩ bắt đầu tập trung cao độ để đảm bảo không bỏ sót bất kỳ một dữ liệu kỹ thuật nào.
 
Chỉ tay vào một màn hình với những dải màu bí ẩn, trung úy Nguyễn Văn Đại giải thích: “Anh nhìn không quen chứ em thì biết hết. Độ sâu của biển bây giờ biểu thị bằng màu. Những dải màu đỏ là nơi biển cạn, những nơi màu vàng là sâu hơn và nơi hiển thị màu xanh đến tím là biển sâu nhất. Và độ sâu cụ thể thì có máy phân tích riêng”.
 
Anh Đại cho biết để có được những thông số chính xác về độ mặn, tính chất địa hình đáy biển, về khí tượng thủy văn, yếu tố dòng chảy... anh em phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Có những điểm các anh phải “cày đi cày lại” nhiều lần trong những điều kiện thời tiết khác nhau để có được thông tin chính xác nhất.
 
Khi kết thúc một ngày đo, tất cả các số liệu trên màn hình này sẽ được xử lý và tổng hợp bởi một bộ phận kỹ thuật khác và tích hợp chung trên một hải đồ mà anh em quen gọi là hải đồ 3D. Để có được một hải đồ 3D chuẩn quốc tế là một quá trình lâu dài, rất công phu và tất cả đều xử lý ở 
trên bờ.
 
Thạc sĩ, trung tá Nguyễn Phúc Hồng - phó hải đội trưởng Hải đội 695 thuộc Đoàn 6 hải quân, người đi cùng chuyến khảo sát với chúng tôi - giải thích thêm: Đoàn 6 bây giờ được trang bị 4 hệ thống SSS rất hiện đại.
 
Trong đó 2 hệ thống của Hãng Klein, 1 hệ thống của Hãng Kongsberg, 1 hệ thống của Hãng CMAX. Tất cả các thiết bị này có thể được sử dụng trong lĩnh vực khảo cổ học hàng hải, kết hợp với các mẫu đất đá đáy biển, có thể cung cấp thông tin chi tiết về sự khác biệt và thành phần kết cấu đáy biển.
 
“Hằng năm chúng tôi đều có dịp giao lưu với các chuyên gia nghiên cứu biển của rất nhiều nước như Anh, Hà Lan, Ý, Na Uy, Đức...
 
Các bạn đều đánh giá rất cao công nghệ và kỹ thuật của chúng ta. Những gì các nước tiên tiến nghiên cứu về biển có thì chúng ta đều có, đặc biệt khi chúng ta tham gia Hiệp hội Thủy đạc quốc tế thì tất cả phải theo tiêu chuẩn quốc tế nên có thể nói đây là bước khởi đầu đáng mừng của ngành nghiên cứu đo đạc biển” - trung tá Hồng khẳng định.
 
Cũng theo trung tá Hồng, ngoài công tác điều tra về hiện trạng các đường ống dẫn, cáp dưới biển, hệ thống đo sâu hồi âm, hệ thống đo biển này còn cung cấp một cái nhìn bao quát và chi tiết về cấu trúc bề mặt đáy biển.
 
Để bắn một trái ngư lôi hay phóng một quả tên lửa dưới nước đều phải biết các yếu tố biển xung quanh con tàu.
 
Và hệ thống còn cung cấp những thông tin quan trọng trong quân sự bao gồm phát hiện bom mìn, các cấu trúc bất thường của đáy biển nhằm phát triển khả năng phòng thủ, thậm chí cả việc lập một căn cứ dưới nước.
 
Hành trình của những con tàu đo đạc biển đã đưa các chiến sĩ đến với mọi vùng biển đảo Tổ quốc. Họ thông thạo luồng lạch, hiểu biển rõ như lòng bàn tay, tựa như người nông dân thuộc từng thửa ruộng. Giờ đây họ vẫn ngày đêm tiếp tục cày những đường cày đẹp trên khắp vùng biển của quê hương...
 
__________
 
Kỳ tới: Một ngày dò biển bằng xuồng
 
HỒ TẤN VŨ - 
ĐẶNG TIẾN LONG
 

DỰ ÁN ĐÃ TRIỂN KHAI

TIN TỨC NỔI BẬT

CÁCH HOẠT ĐỘNG CỦA ỐNG NHÒM ĐO KHOẢNG CÁCH
Làm thế nào để các nhà sản xuất có thể sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 và IIoT?
Cách bảo quản thiết bị trắc địa đúng cách
Các loại sai số, tiêu chí đánh giá độ chính xác kết quả đo

LIÊN HỆ


quần áo bảo hộ lao động in hóa đơn

CÔNG TY CP THIẾT BỊ và DỊCH VỤ KỸ THUẬT QUẢNG TÂY –QHT
Người đại diện: Lê Văn Hậu
Chức vụ : Giám đốc
Mã số thuế: 0103008064
Địa chỉ: số 16/111 ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, P Láng Hạ, Q Đống Đa, TP Hà Nội
Email: quangtayqht@gmail.com
Số điện thoại công ty: 02437759534
Số điện thoại kỹ thuật: 0904212040
Số điện thoại kinh doanh: 0913303547
 
 

THÔNG TIN CHUNG


CHẤP NHẬN THANH TOÁN


KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI