12:00:00
17/03/2016
Để xác định lưu lượng xả lũ và truy cứu trách nhiệm nếu Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nát vi phạm quy trình xả lũ, UBND tỉnh Gia Lai gửi văn bản về việc xây bản đồ và quan trắc trên đập tràn An Khê. Tuy nhiên, kiến nghị đã bị trung ương “bỏ quên” hơn 2 năm qua.
Dân thiệt, thủy điện vô can
Nhà máy thủy điện An Khê thuộc Cty ty thủy điện An Khê - Ka Nát, nằm trên huyện Tây Sơn, (Bình Định) đã ngừng hoạt động do bị lũ vùi ngày 15.11. Trước khi bị vùi lấp, nhà máy thủy điện này cũng đã kịp xả hàng triệu mét khối nước xuống sông Ba, khiến thị xã An Khê (Gia Lai) chìm trong biển nước. Chính quyền địa phương thì vẫn lúng túng với những kết luận mơ hồ về nguyên nhân xảy ra lũ lớn trên địa bàn. Riêng người dân khăng khăng cho rằng lũ do thủy điện An Khê.
Thị xã An Khê - hạ nguồn của công trình thủy điện An Khê - Ka Nát - luôn bị nhấn chìm, các công trình dân sinh bị xé toang mỗi khi xuất hiện lũ. Trận lũ lịch sử năm 2009, mực nước chỉ xấp xỉ mố cầu sông Ba, nhưng trận lũ vừa qua, nước ập về như thác đổ gây ngập cầu sông Ba, mạnh đến nỗi xé toạc cả mố trụ cầu. Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB - TKCN thị xã An Khê, thiệt hại trên địa bàn là hơn 13 tỉ đồng, gần 400 nhà dân bị ngập, rất nhiều cầu cống, đường giao thông bị lũ đánh tan hoang.
Ông Mang Viên Tý - Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban chỉ huy PCLB An Khê - cho rằng, không thể phủi tay, đổ lỗi do thời tiết. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm đối với Nhà máy thủy điện An Khê này rất khó vì không xác định được lưu lượng xả lũ từ phía nhà máy. Dù rằng theo quy định, trước khi xả lưu lượng nước lớn hơn phải thông báo cho chính quyền trước 2 tiếng đồng hồ. “Vì không có trạm quan trắc nên chúng tôi không biết lưu lượng nước Nhà máy thủy điện An Khê xả bao nhiêu. Họ thông báo bao nhiêu thì chính quyền biết chừng đó” - ông Tý ngán ngẩm.
Cần truy cứu trách nhiệm của thủy điện An Khê
Người dân mong muốn phải truy trách nhiệm phía Nhà máy thủy điện An Khê để nhà máy không còn coi thường tính mạng của ho. Nhiều hộ gia đình ở thị xã An Khê trở nên trắng tay sau lũ. Nhà cửa, đất đai, trang trại bỗng chốc bị cuốn trôi sạch sẽ.
Bà Vũ Xuân Kỳ - một người sống hơn 40 năm ở phường Ngô Mây, TX An Khê) - cho biết đây là cơn lũ lớn nhất và lên nhanh nhất từ khi bà về đây sinh sống: “Lũ lên nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay thu dọn, vận chuyển đồ đạc, chỉ kịp bồng bế cháu chạy lên cao để trú ẩn”.
Ông Mang Viên Tý kiến nghị: Trước mắt xem xét trách nhiệm của thủy điện An Khê như thế nào rồi mới tính đến phương án xứ lý. Tuy nhiên, về lâu dài, muốn truy trách nhiệm các nhà máy thủy điện thì phải thiết lập được bản đồ ngập tràn ở hạ du trên đập tràn An Khê. "Phải có trạm quan trắc đặt dưới đập tràn An Khê để xác định được lưu lượng xả lũ của nhà máy thủy điện. Chỉ có cách đó, họ mới không thể phủi trách nhiệm và đổ lỗi do thời tiết được” - ông Tý nói.
Yêu cầu chính đáng là vậy, nhưng chính quyền thị xã An Khê và tỉnh Gia Lai cho biết, dù đã gửi văn bản kiến nghị trung ương phải làm gấp nhưng hơn 2 năm rồi vẫn chưa có hồi đáp.