12:00:00
22/07/2016
Gần sáu năm nay, cuộc sống của hàng trăm người dân ở xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội khốn khổ do khói, bụi của những lò gạch thủ công hoạt động trên địa bàn.
Các lò gạch hoạt động gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xã Tam Thuấn
Quanh năm hít khí than độc hại
Theo phản ánh của người dân nơi đây, từ năm 2004, hàng chục lò gạch liên tiếp mọc lên, trong đó có những lò gạch không có ống khói liên tục hoạt động khiến môi trường khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Để tránh “hít” phải khí than, người dân thường xuyên phải đeo khẩu trang, kể cả lúc ở trong nhà đóng kín cửa.
Lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm cũng bị khói phá hủy trầm trọng, ảnh hưởng đến nguồn thu nông nghiệp. Sức khỏe của bà con, trong đó chủ yếu là người già, trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng. Nhiều người mắc các chứng bệnh tức ngực, đau đầu, ho khan, thậm chí có người đã tử vong vì bị ung thư phổi. Trước thực trạng lo ngại trên, người dân nơi đây đã gửi đơn kêu cứu lên UBND xã Tam Thuấn và UBND huyện Phúc Thọ. Nhưng đến nay, biện pháp khắc phục của chủ các lò gạch chưa triệt để.
Cơ quan chức năng thuộc UBND huyện Phúc Thọ đã phối hợp với chính quyền xã Tam Thuấn tiến hành đo mức độ ô nhiễm của các lò gạch. Tuy nhiên việc đo đạc chỉ được tiến hành vào 12 giờ trưa, lúc trời nắng quang. Trong khi các lò gạch thường chỉ hoạt động mạnh vào lúc trời tờ mờ sáng và chiều tối nên người dân cho rằng đoàn khảo sát đã phản ánh không đúng mức độ ô nhiễm.
Chị Trịnh Thị Thoa, một người dân trong xã, trú ở gần lò gạch cho biết, vì không đồng ý với kết quả đo đạc trên nên chị bỏ tiền thuê một đơn vị trắc địa tiến hành đo khoảng cách từ nhà chị đến các lò gạch với kết quả chính xác là 256m. Trong khi đó, mức khoảng cách tiêu chuẩn do huyện ban hành từ các lò gạch đến khu vực dân sinh là 500m. Chị Trịnh Thị Thoa bổ sung, các lò gạch ở đây không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến cho việc tưới tiêu nông nghiệp của người dân địa phương bị ảnh hưởng.
Để tăng chất lượng gạch, các chủ lò đặt máy hút cát từ kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận (người dân vẫn quen gọi là sông Đồng Vạn) sử dụng. Sau một thời gian hút cát, lòng kênh sâu hơn lòng mương dẫn nước tưới tiêu gần 3m khiến nước không vào được các đồng ruộng. Hơn nữa, hai bên bờ kênh đã bắt đầu có dấu hiệu sạt lở khiến tường rào của các gia đình ở khu vực gần kênh nứt nẻ.
Sẽ xóa sổ các lò thủ công
Ông Nguyễn Văn Ngà, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Phúc Thọ thừa nhận việc các lò gạch gây ô nhiễm môi trường là có thật. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã tiến hành đo đạc mức độ ô nhiễm. Mặc dù chỉ đo đạc vào buổi trưa, chưa phản ánh đúng mức độ, tuy nhiên sau đó, các lò gạch đã có những biện pháp giảm thiểu mức độ ô nhiễm. Đặc biệt, nhiều chủ lò cho xây ống xả khói lên cao.
Về việc các lò gạch đặt máy hút cát từ kênh Cẩm Đình - Hiệp Thuận, ông Ngà chưa nhận được báo cáo từ UBND xã Tam Thuấn. Ông Ngà khẳng định phòng TN-MT sẽ trực tiếp tiến hành thẩm tra về vấn đề này. Vẫn theo ông Ngà, các lò gạch thủ công chỉ được hoạt động cho đến hết năm 2010. Sau đó, Phòng TN-MT huyện sẽ kết hợp cùng Sở TN-MT Hà Nội tiến hành đo đạc, khảo sát và xóa sổ những lò gạch thủ công, không đạt tiêu chuẩn về công nghệ, vệ sinh môi trường theo Quyết định 115/2001/QĐ-TTg ngày 1-8-2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Rõ ràng, việc người dân xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do các lò gạch trong khu vực gây ra là có căn cứ. Vì vậy đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Phúc Thọ sớm có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo sức khỏe và môi trường sống an toàn cho người dân địa phương.
Đức Nhã