12:00:00   01/06/2016
Lao động là một trong năm yếu tố được lưu chuyển tự do khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành. Khi đó, cục diện thị trường lao động Việt Nam sẽ có sự thay đổi lớn, mà theo ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu việc làm trung bình sẽ tăng mạnh nhất, 28% vào năm 2025 so với nhu cầu các công việc khác. Để có cái nhìn khái quát hơn về thị trường lao động, những cơ hội cũng như thách thức đối với lao động Việt Nam khi AEC hình thành, TBKTSG đã có cuộc trao đổi với ông Yoshiteru Uramoto (ảnh bên).


 
TBKTSG: Theo ông thị trường lao động Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào khi AEC hình thành và nhóm lao động nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất?
 
- Ông Yoshiteru Uramoto: Do nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào ngoại thương nên những biện pháp, chính sách của AEC có thể mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam.

Theo tính toán của chúng tôi, đến năm 2025, AEC có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP tại Việt Nam thêm 14,5% và tạo thêm 10,5% việc làm mới.
 
Việc làm trong các ngành như xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
 
Song song với những thay đổi theo ngành nghề nói trên, báo cáo của chúng tôi chỉ ra rằng trong giai đoạn từ 2010-2025, nhu cầu đối với việc làm cần kỹ năng trung bình nói chung sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%. Tuy nhiên, người nào thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết thì sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới đó.
 
TBKTSG: Năng suất lao động tại Việt Nam được đánh giá thấp nhất trong khu vực, do đó, nhiều ý kiến cho rằng, lao động Việt Nam sẽ chịu thua thiệt hơn là được hưởng lợi từ AEC. Ông nghĩ sao về nhận định này?
 
- Năng suất lao động tại Việt Nam phần nào đó cao hơn Campuchia và Lào, nhưng thấp hơn so với các nước ASEAN khác.
 
Phát triển kỹ năng và cải thiện việc đào tạo nghề sẽ là một trong những nhân tố giúp nâng cao năng suất lao động và giúp người lao động chuẩn bị sẵn sàng cho việc hội nhập AEC. Tuy nhiên, tăng năng suất lao động là việc người lao động không thể tự làm. Năng suất lao động chỉ có thể được cải thiện đáng kể nếu Chính phủ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, còn các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị.
Nếu Việt Nam gầy dựng được những nền tảng ấy, thì năng suất lao động có thể sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 so với mốc 2010.
 
 
AEC cũng sẽ giúp các công dân Việt Nam có nhiều cơ hội việc làm hơn, đặc biệt với những người có tay nghề, chuyên môn cao. Trong ảnh: Hướng dẫn sửa chữa ô tô tại một trung tâm đào tạo nghề. Ảnh: KINH LUÂN
TBKTSG: Để lao động có thể lưu chuyển tự do thì các quốc gia thành viên phải đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau (mutual recognition arrangements - MRA) đối với từng ngành nghề. Song đây là việc không hề dễ dàng. Theo ông, vướng mắc nằm ở đâu?
 
- Cho đến nay, thỏa thuận công nhận lẫn nhau đã được hoàn tất đối với tám loại hình nghề nghiệp (kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, kỹ sư, bác sĩ, y tá và cán bộ hộ sinh, trắc địa viên và các nghề liên quan đến du lịch).
Thế nhưng, để đạt được sự thống nhất và triển khai các thỏa thuận này thì vẫn còn khó khăn vì một số lý do nhất định.
 
Thứ nhất, yêu cầu về giáo dục và thi cử phục vụ cho việc cấp chứng nhận chuyên môn ở các nước rất khác nhau, mà các hiệp hội nghề nghiệp thì thường dè dặt trong việc thay đổi các tiêu chuẩn sẵn có hoặc thừa nhận những đối thủ cạnh tranh tiềm năng từ nước ngoài. Thêm vào đó, một số nghề nhất định có thể được cấp chứng nhận ở một số nước, nhưng các nước khác thì không.
 
Thứ hai, một số quốc gia yêu cầu các vị trí như giáo viên, luật sư, cán bộ nhà nước hoặc quân nhân bắt buộc phải là công dân của nước đó và hoàn toàn loại bỏ khả năng tuyển dụng lao động nhập cư.
Thứ ba, những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, cũng như sự chấp nhận của xã hội có thể tạo thành những rào cản vô hình với việc dịch chuyển lao động mà ngay cả những điều khoản luật pháp cũng không thể kiểm soát được.
 
Tuy nhiên, các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau có thể sẽ trở thành những công cụ chủ yếu để đạt được sự dịch chuyển lao động trong khuôn khổ AEC. Các thỏa thuận này thiết lập những kỹ năng hoặc kinh nghiệm mà người lao động ở các ngành nghề cần đáp ứng để đạt được chứng nhận ở nước ngoài và làm việc ở nước ngoài.
 
Để hỗ trợ thực hiện các thỏa thuận này, khối ASEAN đang xây dựng một Khung Tham chiếu trình độ ASEAN (ASEAN Qualifications Reference Framework - AQRF). Nó hỗ trợ việc so sánh bằng cấp giữa các quốc gia thành viên, đồng thời cung cấp tiêu chuẩn chung hợp lý cho các khung đánh giá trình độ quốc gia hiện nay. Hệ thống AQRF này cũng như chiến lược thực hiện dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm nay.
 
TBKTSG: AEC được thành lập đồng nghĩa với một lực lượng lớn lao động sẽ di cư. Các cơ quan chức năng liên quan sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong vấn đề này?
 
- Các điều khoản của AEC cho phép dịch chuyển một cách tự do lao động có tay nghề cao. Hiện nay, sự dịch chuyển đó chỉ áp dụng với tám loại hình nghề nghiệp, mà tám nghề này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng số việc làm tại các nước thành viên ASEAN. Do đó, tác động của AEC đến sự dịch chuyển tự do các lao động có tay nghề cao sẽ không lớn như dự kiến.
 
Thực tế thì các lao động trình độ thấp và trung bình sẽ không chịu tác động của thỏa thuận AEC về dịch chuyển lao động tự do, nhưng chúng tôi vẫn dự báo rằng xu hướng dịch chuyển ra nước ngoài làm việc của số lao động này sẽ tiếp tục gia tăng. Các cơ quan chức năng của mỗi nước nhất thiết phải đảm bảo làm sao để những lao động này được đối xử công bằng tại nơi làm việc, đồng thời mở rộng sự công nhận kỹ năng chính thức giữa nước mình và các nước khác.
 
TBKTSG: Rất nhiều lao động Việt Nam có bằng đại học hiện đang thất nghiệp. Liệu có tồn tại khả năng AEC sẽ trở thành một tác nhân làm trầm trọng hóa tình trạng thất nghiệp tại Việt Nam?
 
- Về lý thuyết, nếu lao động Việt Nam có những kỹ năng nằm trong khuôn khổ thỏa thuận công nhận lẫn nhau MRA, họ sẽ có khả năng tìm kiếm việc làm ở các quốc gia ASEAN khác và ngược lại. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là danh sách hết sức hạn chế. Hơn nữa, việc thực hiện vẫn còn tồn tại những rào cản nhất định. Do vậy, khó có khả năng việc này sẽ có tác động đáng kể tới nhóm lao động này. Ngoài ra, vấn đề thất nghiệp còn phụ thuộc và tình hình kinh tế và chính sách của từng quốc gia.
 
TBKTSG: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có những đề xuất chính sách nào để giúp Việt Nam chuẩn bị một cách tốt nhất và tận dụng các cơ hội từ hội nhập AEC?
 
- Trước hết, ngoài công tác quản lý lao động di cư và công nhận kỹ năng, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và năng suất lao động của người lao động thuộc ngành nông nghiệp. Việt Nam cũng cần hỗ trợ sự phát triển không ngừng của ngành dệt may, trong khi vẫn tiếp tục trợ giúp các ngành sản xuất mới nổi khác.
 
Thứ hai, vì AEC sẽ tạo ra nhu cầu việc làm đối với một số nghề nghiệp nhất định, đồng thời làm giảm đi nhu cầu với một số ngành khác, việc mở rộng độ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc sẽ góp phần bảo vệ những người chịu tác động tiêu cực của quá trình này, đồng thời hỗ trợ dịch chuyển lao động sang những ngành có năng suất lao động cao hơn.
 
Thứ ba, chất lượng giáo dục trung học và đào tạo nghề cần được cải thiện để đảm bảo rằng lực lượng lao động Việt Nam được trang bị những kỹ năng có thể thỏa mãn yêu cầu của khối tư nhân.
 
Cuối cùng, để mở rộng nền tảng công nghiệp và xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định, Việt Nam cần củng cố hệ thống thương lượng tập thể. Điều này sẽ giúp cải thiện quan hệ lao động hài hòa và góp phần đảm bảo rằng những lợi ích từ hội nhập AEC thực sự đem lại việc làm tốt hơn cho người lao động Việt Nam.
 
Ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH):
 
Việt Nam mới bắt tay chuẩn bị
 
Đối với lĩnh vực dạy nghề mà phía Bộ LĐTBXH quản lý, do nguồn lực có hạn nên bộ xác định phải đầu tư tập trung, có trọng điểm. Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển trường nghề chất lượng cao tới năm 2020”, trong đó lựa chọn 45 trên tổng số gần 500 trường nghề để tập trung đầu tư, đào tạo ra lao động có trình độ, tay nghề cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
 
Hiện nay, những trường nghề này đang giảng dạy theo chương trình đào tạo nghề của Úc. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, người lao động nếu đi sang các nước trong khối ASEAN sẽ được công nhận và được trả mức lương tương xứng.
 
Từ năm 2012, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng khung trình độ quốc gia. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang xây dựng năm bậc dành cho đào tạo nghề trung cấp và cao đẳng; Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng ba bậc còn lại, trong đó bậc 6 dành cho đại học, bậc 7 cho thạc sĩ và bậc 8 dành cho tiến sĩ. Tám bậc mà Việt Nam đang xây dựng dựa trên Khung tham chiếu trình độ ASEAN. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành.
 
Từ năm 2015 trở đi, các nước sẽ tiến hành công nhận lẫn nhau từng nghề trong tổng số gần 1.000 nghề hiện có. Đây là việc không thể một sớm một chiều. Các nước trong khối EU vẫn đang làm việc này.


Ads: máy đo khoảng cách laser

DỰ ÁN ĐÃ TRIỂN KHAI

TIN TỨC NỔI BẬT


LIÊN HỆ


quần áo bảo hộ lao động in hóa đơn

CÔNG TY CP THIẾT BỊ và DỊCH VỤ KỸ THUẬT QUẢNG TÂY –QHT
Người đại diện: Lê Văn Hậu
Chức vụ : Giám đốc
Mã số thuế: 0103008064
Địa chỉ: số 16/111 ngõ 62 Nguyễn Chí Thanh, P Láng Hạ, Q Đống Đa, TP Hà Nội
Email: quangtayqht@gmail.com
Số điện thoại công ty: 02437759534
Số điện thoại kỹ thuật: 0904212040
Số điện thoại kinh doanh: 0913303547
 
 

THÔNG TIN CHUNG


CHẤP NHẬN THANH TOÁN


KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI