12:00:00
01/06/2016
Chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, khi đó, lao động là một trong những yếu tố được tự do di chuyển. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để lao động Việt Nam có thể chuyển mình thay đổi và cạnh tranh với lao động các nước trong khu vực.
Năng suất thấp, kỷ luật yếu…
Ông Ryan Lee, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Moldpia Byuckjin, một công ty Hàn Quốc chuyên chế tạo khuôn mẫu các loại và dụng cụ chính xác có nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội, cho hay với đặc thù cần tuyển nhiều lao động, nên công ty đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư do chi phí nhân công tại đây khá rẻ. Nhưng khi thực sự hoạt động ở Việt Nam, mới thấy việc tuyển dụng không hề dễ dàng.
“Lao động phổ thông nhiều nhưng thiếu kỹ năng, khi tuyển lao động cấp cao thì trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn đều thấp hơn kỳ vọng trước đó của tôi. Đặc biệt là tác phong công nghiệp cũng như tính tuân thủ trong công việc của lao động Việt Nam không cao”, ông Ryan Lee nói.
Để bù đắp vào những vị trí nhân sự còn thiếu, ông Ryan cho hay đối với lao động cần tay nghề kỹ thuật, Moldpia phải nhờ đơn vị trung gian là Trung tâm Đào tạo nghề Huyndai tuyển giúp lao động có kỹ năng đã làm việc tại các khu công nghiệp của Hàn Quốc từ 4-5 năm. Hoặc đối với nhân viên văn phòng, công ty sẽ tuyển những sinh viên mới ra trường để vừa đào tạo về chuyên ngành, vừa đào tạo các kỹ năng mềm khác như tiếng Anh và văn hóa ứng xử trong công ty.
Ông Ryan cho hay, hiện ông vẫn chưa có ý định tuyển nhiều lao động nước ngoài làm việc tại nhà máy nhưng nếu việc tuyển dụng lao động sẽ dễ dàng hơn khi AEC hình thành, ông sẽ cân nhắc đến việc tuyển lao động kỹ thuật từ Malaysia.
Cùng suy nghĩ với ông Ryan Lee, ông Mark Lee, Giám đốc điều hành Công ty TNHH SL Global PTE, công ty may của Singapore có nhà máy ở năm nước Malaysia, Sri Lanka, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam, cho hay hiện nay việc tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực kỹ thuật, công nhân tay nghề cao, cấp quản lý tài chính, kế toán tại Việt Nam không hề dễ dàng. Hơn nữa, chính sách tuyển lao động nước ngoài tại Việt Nam khá khắt khe nên ông mong chờ đến thời điểm AEC thành lập để có thể tuyển dụng lao động từ các nước trong khối ASEAN dễ dàng hơn.
Thực ra, mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài khó lòng được đáp ứng vì AEC mới chỉ cho phép một số nghề như kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, y tá và hộ sinh, trắc địa viên, các nghề liên quan đến du lịch được dịch chuyển tự do nhờ đã đạt được thỏa thuận công nhận lẫn nhau.
Thực tế, không chỉ hai vị giám đốc ngoại quốc trên gặp khó khăn trong vấn đề tuyển lao động cấp cao và lao động nghề có kỹ năng mà cả các công ty trong nước cũng vấp phải tình trạng tương tự. Cuộc khảo sát về nhu cầu kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam cho thấy một thực tế đáng báo động: hầu hết chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu công việc của họ.
Chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa là AEC thành lập, liệu lao động Việt Nam có thể cạnh tranh được với lao động trong 10 nước ASEAN?
Thiếu và thừa
Là người đã làm việc trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự vài chục năm, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc điều hành Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search, cho hay trong số tám ngành nghề được tự do lưu chuyển trong AEC thì thị trường trong nước có thể đáp ứng được như các vị trí kế toán thông thường, kỹ sư sản xuất, nhưng đối với kỹ sư chất lượng cao, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin thì lại đang rất thiếu.
Ngoài ra, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết trong lĩnh vực dịch vụ và chăm sóc sức khỏe. Do vậy sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này sang Việt Nam kinh doanh và kéo theo đó là nhân sự trong các ngành này cũng sẽ tăng lên, cả về số lượng và chất lượng.
“Lao động Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt như chăm chỉ, học hỏi nhanh. Nhưng nhìn chung, chúng ta chưa có kỷ luật lao động tốt và khả năng ngoại ngữ thấp. Đây là những bất lợi đối với lao động Việt Nam so với nhân sự Thái Lan và Philippines”, bà Vân Anh nói.
Trước sự kiện AEC hình thành, theo bà Vân Anh, không chỉ người lao động Việt Nam buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải đứng trước các thách thức trong việc tuyển dụng. “Gắn liền với việc tuyển dụng sẽ là các chế độ chính sách cho nhân sự từ nước ngoài. Điều này dẫn đến bài toán về chi phí của doanh nghiệp”, bà Vân Anh nói.
Thực tế, trong năm năm trở lại đây, tỷ lệ lao động đi làm việc tại các quốc gia ASEAN ngày càng tăng và thị trường này chiếm tới 26% tổng lao động Việt Nam di cư trong năm 2012. Phần lớn lao động di cư là lao động có trình độ, kỹ năng ở mức thấp và trung bình, làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo.
Ông Phú Huỳnh, chuyên gia kinh tế lao động thuộc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay AEC hình thành sẽ cho phép một số lượng người lao động kỹ năng cao của Việt Nam với đủ trình độ và bằng cấp được theo đuổi các cơ hội việc làm tốt hơn ở các nước khác trong khu vực ASEAN. Thêm vào đó, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi vì họ có nhiều lựa chọn để tuyển dụng người lao động ở các nước ASEAN khác.
Ads: máy đo khoảng cách laser
Ads: máy đo khoảng cách laser