12:00:00
27/06/2016
Một vụ gian trá chưa từng thấy. Molière chưa bao giờ viết một dòng chữ nào, ông ta chỉ là một tên đại bịp và thuê một kẻ nào đó có tên là Corneille viết cho mình. Vụ lùm xùm này từ đâu đến và liệu nó có dựa trên những sự kiện có thật?
Tất cả bắt đầu vào năm 1919. Trong một tờ tạp chí văn học, nhà thơ Pierre Louÿs thông báo Molière không phải là nhà văn vĩ đại như một người tưởng, mà thực tế ông đã phải nhờ tới một người cộng tác có tên Corneille. Làm sao mà Pierre lại có ý tưởng này? Đơn giản là vì ông nhận thấy lối viết trong vở kịch Amphitryon rất giống với một vở kịch của Corneille.
Ý kiến này đã gây ra hàng loạt các cuộc tranh luận diễn ra và kéo dài tới cả thế kỷ XX. Những người cho rằng đã có sự gian trá dựa trên bằng chứng chủ yếu là sự giống nhau giữa các vở kịch của Molière và Corneille. Và họ quả quyết điều đó không thể do sự ngẫu nhiên tạo ra. Hơn nữa, Molière lại chẳng để lại bất cứ một bản viết tay nào, kể cả một đoạn nháp hay mảnh giấy ghi chú. Và đặc biệt là tại sao một nhà viết kịch nhỏ bé lại có thể bất ngờ biến thành một tác giả tầm cỡ như Molière, ở cái tuổi 37?
Trả lời bằng các con số thống kê
Năm 2003, Dominique Labbé thông báo đã giải mã được bí ẩn văn chương này nhờ sự trợ giúp của các công cụ thống kê. Chuyên gia nghiên cứu thống kê ngôn ngữ này đã dùng phương pháp đo khoảng cách giữa các từ trong các văn bản và thống kê sự khác biệt giữa tần số sử dụng các từ trong hai văn bản. Khoảng cách này cho phép đưa ra phép đo giữa 0 (nếu tất cả các từ được sử dụng trong hai văn bản đều có cùng tần số) và 1 (nếu hai văn bản không có từ giống nhau).
Ông đã phải rất cẩn thận để tránh những sai sót, thí dụ như việc tuân theo kích thước đúng của văn bản, phân biệt các từ đồng nghĩa, phát hiện các giống của từ… Cuối cùng, sau khi đo đạc rất nhiều văn bản khác nhau, Labbé đưa ra kết luận rằng hai văn bản có khoảng cách giữa các từ dưới hoặc bằng 0.20 thì chúng chắc chắn thuộc cùng một tác giả. Nếu chúng trong khoảng 0,20 và 0,25 thì rất có thể chúng thuộc cùng một tác giả. Nhưng nếu khoảng cách này lớn hơn 0,40 thì chúng thuộc hai tác giả khác nhau.
Và kết luận của ông về vụ việc Molière/Corneille đã được đưa ra: các văn bản của Molière là do Corneille viết. Trên thực tế, khoảng cách giữa các từ trong các văn bản được xem xét là dưới 0,25. Vụ việc như vậy đã được giải quyết xong? Không phải vậy.
Toán học đã giải quyết nhưng…
Vấn đề còn lại là phải biết được tại sao nhà văn kiêu ngạo Corneille kia lại chấp nhận làm kẻ viết thuê cho một kẻ giả danh là nhà soạn kịch. Liệu có phải là vì ông không mong muốn được biết đến như một nhà soạn kịch, cho dù văn phong xuất sắc đến thế nào đi nữa, bởi điều này sẽ làm lộ việc viết thuê của ông? Hay đó chỉ là cách giải quyết các rắc rối của ông với giới tư sản Paris bằng việc để vô danh? Hay do ông thiếu tiền?
Vấn đề cũng cần được làm rõ là tại sao anh em nhà Corneille lại tiến hành một âm mưu chống lại Écoles des femmes (Trường dạy đàn bà), vở kịch mà Molière chế diễu thẳng thừng các trò kịch của giới quí tộc mà anh em nhà Corneille viết. Tại sao Corneille viết, rồi lại chỉ trích một tác phẩm trong đó ông chế diễu hình ảnh anh của ông và của chính mình? Hơn thế nữa, trong thời gian mà Corneille được cho là viết thuê cho Molière, ông cho ra mắt vở kịch Office de la Sainte Vierge, một tác phẩm đồ sộ đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Như vậy, ông lấy đâu ra thời gian để viết cho Molière. Cho tới ngày nay, cuộc tranh luận mở về đề tài được đưa ra từ năm 1919 vẫn chưa được đóng lại.