12:00:00
17/05/2016
Chiều 12/5, Sở TNMT Hà Tĩnh đã trực tiếp làm việc với Formosa để khảo sát các bước chuẩn bị xây dựng Trạm quan trắc tự động tại công ty này.
Hệ thống xả thải của Formosa Hà Tĩnh.
Đây là bước chuẩn bị cần thiết vì Trạm quan trắc tự động này có yếu tố kỹ thuật và chuyên môn đặc thù cao.
Liên quan đến việc xây dựng Trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến Sở TNMT, ông Trần Hữu Khánh - Chánh văn phòng Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngay sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TNMT xây dựng trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TNMT nhằm kiểm soát việc xả thải của Formosa thì sáng 12/5, lãnh đạo Sở TNMT đã làm việc với Bộ TNMT và các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh về việc triển khai kết nối quan trắc tự động gửi ra Bộ TNMT đồng thời bàn phương án xây dựng trạm quan trắc tự động nhằm chủ động kiểm soát xả thải của nhà máy Formosa như chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh.
Buổi chiều, Sở TNMT làm việc trực tiếp với Formosa để khảo sát các bước chuẩn bị xây dựng trạm quan trắc tự động.
“Vì Trạm quan trắc tự động này liên quan đến yếu tố kỷ thuật và chuyên môn đặc thù cao nên Sở vào khảo sát lúc đó mới đưa ra vị trí phù hợp được”, ông Khánh nói.
Sở TNMT cũng đã chủ động cử đoàn cán bộ vào các tỉnh phía Nam có khu công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai để khảo sát, tìm hiểu, học tập về việc xây dựng Trạm quan trắc và hiện đoàn đã về.
Về máy móc, thiết bị tại Trạm quan trắc này, tỉnh Hà Tĩnh và Sở TNMT đã tìm hiểu và liên hệ với một số đối tác.
Còn việc xây dựng và vận hành Trạm quan trắc tự động thì hiện Sở TNMT Hà Tĩnh đang gấp rút thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, ông Khánh thông tin thêm.
Quyết định hỗ trợ khẩn cấp người dân, chủ tàu khai thác hải sản
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Quyết định 1121/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường, phạm vi hỗ trợ là các xã ven biển thuộc các huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.
Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian 45 ngày đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình chủ tàu và hộ gia đình của lao động trên tàu khai thác hải sản ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90CV và các hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá trong khu vực của ngư dân bị ảnh hưởng trực tiếp (trừ các đối tượng đã hưởng chính sách theo Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 27/4/2016 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ ổn định đời sống cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng trực tiếp do hải sản chết bất thường).
Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng hỗ trợ một lần 3,5 triệu đồng/tàu không lắp máy đánh bắt ven bờ do phải ngừng ra khơi khai thác hải sản; hỗ trợ một lần 5 triệu đồng/tàu lắp máy có công suất dưới 90CV đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải ngừng ra khơi khai thác hải sản. Đối với các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng do Nhân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định áp dụng theo khoản 4, điều 1, Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu có hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào bờ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không đảm bảo an toàn buộc phải tiêu hủy áp dụng theo khoản 5, điều 1, Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này của UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường áp dụng theo khoản 6, điều 1, Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Hạnh Nguyên
Tham khảo: Địa chỉ mua máy toàn đạc máy thủy bình laser máy đo khoảng cách laser giá tốt tại Hà Nội
Tham khảo: Địa chỉ mua máy toàn đạc máy thủy bình laser máy đo khoảng cách laser giá tốt tại Hà Nội