12:00:00
03/06/2016
Hàng ngày, bao nhiêu chuyến xe ngược xuôi dặm đường thiên lý, chui qua nhiều con hầm đường bộ, nhưng ít ai biết: Bàn tay người lính thời công nghệ số thuộc Cty Xây dựng Công trình ngầm (Tổng Cty Xây dựng Lũng Lô) đã tạo ra chúng.
Giám đốc Nguyễn Huy Thông trực tiếp tới công trường Hầm Đèo Cả giám sát.
Tiền Phong có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Nguyễn Huy Thông- Giám đốc Cty Xây dựng Công trình ngầm để hiểu rõ hơn về công việc nặng nhọc này.
Đào hầm công nghệ cao
Chuyện khoét núi, đào hầm của người lính thợ trong thời công nghệ số khác thế nào so với ngày xưa, thưa đồng chí?
Trong thực tế hiện nay, với công nghệ thi công hầm đặc trưng theo công nghệ đào hầm của Áo (NATM); người thợ đào hầm ngoài việc được đào tạo còn phải nắm bắt được những kỹ thuật công nghệ số mới. Đó là với những thiết bị thi công hiện đại, như: Máy khoan tự hành, máy phun bê tông Robot, máy toàn đạc điện tử, hệ thống quan trắc biến dạng đào, biến dạng kết cấu hầm…
Trong Dự án hầm Đèo Cả, người lính thợ dùng nhiều công nghệ tân tiến nào, thưa đồng chí?
Chúng tôi xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả theo NATM. Đây cũng là công nghệ tân tiến được nhiều nước phát triển sử dụng. Công nghệ này quan tâm, nghiên cứu đến mối liên quan áp lực đất /đá trong thi công. Đồng thời, với các trang thiết bị tân tiến như: Máy khoan hầm Bomer L2D, Máy phun bê tông Meyco, Normet WPC 7110, xúc lật chuyên dụng CAT 930H… giúp cho công việc dễ dàng hơn. Ngoài ra, yếu tố thời gian rất quan trọng nên với thiết bị hiện đại có thể neo gia cố, phun bê tông bảo vệ đất/đá… giúp đảm bảo kịp tiến độ.
Khoan hầm bằng công nghệ mới.
Đồng chí có thể kể về một kỷ niệm đẹp nào về thi công một “ca” vượt thử thách một cách ngoạn mục?
Trong thi công hầm nói chung và hầm giao thông nói riêng, đơn vị nhiều lúc gặp phải những tình huống mà từ người thiết kế đến người thi công không lường trước được. Tôi vẫn còn nhớ rõ trường hợp thi công hầm A6 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đó là vào ngày 3/3/2012, công nhân đang triển khai thi công thì gặp vùng địa chất bất lợi trên đỉnh hầm. Hàng trăm mét khối đất đá sạt từ đỉnh núi xuống.
Tuy nhiên, người lính thợ Lũng Lô với kinh nghiệm dày dạn đã nhanh chóng vừa xử lý trong hầm, vừa xử lý trên đỉnh núi. Trong vòng 3 ngày, chúng tôi đã xử lý triệt để sự cố, vượt qua được thử thách một cách ngoạn mục, an toàn và tránh được sạt trượt lớn giảm thiểu được chi phí, đảm bảo tiến độ thi công gói thầu A6.
Từ những đường hầm trên Quốc lộ 1A đến những đường hầm do Lũng Lô thi công ở nước bạn; hẳn là trình độ và kinh nghiệm của những người lính đào hầm Lũng Lô dày dạn lắm?
Chúng tôi triển khai thi công hầm thủy điện, thủy lợi, hầm giao thông trên toàn quốc và nước bạn Lào. Nhưng đặc biệt phải kể đến những đường hầm trên Quốc lộ 1A, như: Hầm đường bộ Đèo Cả, Phước Tượng, Phú Gia, Hiệp Hòa, dự án Trường Sơn Đông, hầm đường bộ A6 cao tốc Nội Bài – Lào Cai và dự án thủy điện Nam Sim thuộc tỉnh Hủa Phăn, hầm thủy lợi Nậm Mạ Un thuộc tỉnh Luông Nậm Thà…ở nước bạn Lào.
Việc hoàn thành tốt nhiều dự án với nhiều khẩu độ hầm và ở khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước bạn chính là sự phát huy cao độ nội lực của những người lính Lũng Lô dày dạn kinh nghiệm.
Hình hài Hầm Đèo Cả lộ ra từng ngày.
Niềm tự hào lính thợ Lũng Lô
Nghe nói, với hầm đường bộ, không có thợ Lũng Lô khó lòng xong. Đây hẳn là niềm tự hào lớn, thưa đồng chí?
Nếu nói không có thợ Lũng Lô hầm đường bộ khó lòng xong không hẳn đúng. Nhưng những người lính thợ đã góp một phần vào hoàn thành các dự án hầm đường bộ tại Việt Nam, phải kể đến hầm đường bộ gói thầu A6 dự án Nội Bài – Lào Cai, hầm H1 dự án đường Trường Sơn Đông đã được bàn giao đưa vào sử dụng; hầm giao thông Phước Tượng đã được thông hầm kỹ thuật tháng 12/2014; hầm giao thông Phú Gia dự kiến thông hầm kỹ thuật vào ngày kỷ niệm 85 năm này thành lập Đảng tháng 3/2/2015. Đặc biệt là hầm đường bộ Đèo Cả đang triển khai khẩn trương đảm bảo tiến độ dự án. Người lính Lũng Lô rất vui và tự hào với những đóng góp đáng kể vào thành công các dự án hầm đường bộ.
Những người lính đào hầm đã phát huy tinh thần anh bộ đội cụ Hồ như thế nào trên mỗi công trường lao động?
Phát huy tinh thần anh bộ đội cụ Hồ, phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; người lính đào hầm Lũng Lô luôn sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lính thợ làm việc có trách nhiệm, đoàn kết, tính kỷ luật tự giác nghiêm minh. Đặc biệt, một truyền thống mà người lính luôn ý thức, đó là có trách nhiệm với nhân dân; tạo được niềm tin của nhân dân nơi đóng quân, “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Với tinh thần đó, người lính đã góp phần xây dựng đơn vị lớn mạnh trên mọi mặt trận; cũng là góp phần xây dựng quân đội ngày lớn mạnh, hiện đại.
Cám ơn ông!
Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả có chiều dài 13,4km, được thiết kế 4 làn xe (mỗi làn rộng 3,75m), nằm trên QL1A nối hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa, với tổng vốn đầu tư 15.603 tỷ đồng (điểm đầu tại km 1353+500, điểm cuối tại km1374+525). Trong đó, Hầm Đèo Cả dài 3.900m, Hầm Cổ Mã dài 500m, đường dẫn và các cầu trên tuyến dài 9 km.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án, Cty CP đầu tư Đèo Cả đã tiết kiệm và giảm chi phí hơn 3.600 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Phần kinh khí tiết kiệm này đã được Bộ GTVT chấp thuận chuyển sang đầu tư dự án Hầm Cù Mông đoạn qua hai tỉnh Phú Yên-Bình Định, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2017.
Ads: máy đo khoảng cách laser